Jul 17, 2009

Albertt Einstein (1879-1955)- Nhân vật của thế kỷ 20

Đã xem : Lần

Albertt Einstein (1879-1955)- Nhân vật của thế kỷ 20


1. Tiêu chuẩn của sự chọn lựa danh nhân số một của thế kỷ.

Năm cuối cùng của thế kỷ 20, tạp chí Times của Hoa Kỳ xuất bản một số đặc biệt trong đó tạp chí này chọn lựa những người lừng danh nhân loại trong thế kỷ 20 về 5 lãnh vực: lãnh tụ và làm cách mạng, nghệ thuật và trình diễn, xây dựng và canh tân, khoa hoc và tư tưởng, anh hùng và thần tượng, và quang trọng, danh dự hơn cả là : “danh nhân của thề kỷ.”

Sự lựa chọn một người để vinh danh là “danh nhân của thề kỷ” hẳn phải dựa trên một tiêu chuẩn thuận lý nào đó. Cái tiêu chuẩn ấy báo Times nêu lên nguyên văn như sau: “Person of the Century is that person who, for better or worse, most influenced the course of history over the past 100 years – Người của thế kỷ là kẻ, tốt hoặc xấu hơn, ảnh hưởng lớn nhất tới dòng lịch sử của 100 năm qua .” Người ta không phải mất nhiều thì giờ cũng đã tìm ra con người ấy, và không ai ngoài Albert Einstein!

Mặc dù tên tuổi ông đã được ngưỡng mộ trong giới khoa học trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20, và ông đã được trao giải Nobel về Vật Lý học năm 1921, nhưng phải tới năm 1945, sau khi 2 quả bom nguyện tử của Hoa Kỳ nổ ở Hirosima và Nagasaki, tên tuổi ông mới trở thành lừng lẫy khắp nơi, dường như không nơi nào trên thế giới là không biết đến cái tên Einstein, và người ta đã xưng tụng ông là cha đẻ của kỷ nguyên Nguyên Tử.

Đa số con người trên trái đất biết đến tên ông, và nhiều người cũng “biết” đến ba trong những công trình lừng lẫy nhất của ông – nhưng kỳ dị thay, người ta lại hiểu lờ mờ nhất, hoặc ... chẳng hiểu gì cả, về những điều mà người ta “biết!” Biết mà không hiểu, không thể hiểu, không bao giờ có thể hiểu, dù bỏ bao nhiêu thời giờ ra để tìm hiểu,!

Ba công trình đó là: thuyết Tương Đối hạn chế liên quan đến vấn đề tốc lực cực nhanh, thuyết Tương Đối tổng quát liên quan đến hấp lực của vật thể trong vũ trụ, và công thức liên quan tới năng lượng, vật chất và tốc độ của ánh sáng E=m*c*c (năng lượng bằng trọng khối nhân với bình phương vận tốc của ánh sáng).

Thật ra những công trình nghiên cứu và khám phá của ông về khoa học trải rộng nhiều, rất nhiều, lãnh vực quan trọng đến độ chúng trở thành nền tảng cho một số ngành khoa học. Ít người biết rằng giải thưởng Nobel về vật lý ông được trao năm 1921 không phải do 3 khám phá lẫy lừng nói trên mà do sự giải thích của ông về “hiệu ứng của quang điện”(photoelectric effect), và vào thời điểm đó nhiều người đã coi ông như một trong những nhà sáng tạo thông minh nhất của nhân loại.

Amazone, nhà sách đầu tiên và lớn nhất trên internet cho biết là có hơn một trăm cuốn sách viết về Einstein, con số này là chỉ nói tới các sách viết bằng những ngôn ngữ có nhiều người đọc như Anh, Pháp,Tây Ban Nha, Ý, Nga, Đức, Do Thái, có thể có Hoa, Nhật và Ấn ngữ, và chắc còn thiếu một số sách viết bằng các ngôn ngữ khác nữa. Dĩ nhiên người ta chưa nói đến hàng trăm tác phẩm của chính Einstein về khoa học và toán học. Với sự bùng phát của các website trên internet cũng có hàng trăm website chỉ chuyên đề cập tới Enstein.

Nhưng tất cả những công trình khám phá, những hào quang nói trên chưa đủ để người ta quyết định chọn Einstein là nhân vật số một của thế kỷ, căn cứ trên cái tiêu chuẩn: “most influenced the course of history over the past 100 years – ảnh hưởng nhất trong dòng lịch sử của 100 năm qua.” Để có những dữ kiện đầy đủ hơn, chúng ta hãy lược qua đôi dòng tiểu sử, công nghiệp, ảnh hưởng của những khám phá, và đặc biệt là những tư tưởng của ông, bao trùm và làm lay chuyển nhiều nền tảng, trên hầu hết mọi lãnh vực khoa học, tư tưởng đời sống, tâm lý, tôn giáo, chính trị, kinh tế, v.v..



2. Gia thế và những năm tháng đầu về nghề nghiệp của Einstein.



Einstein sinh năm 1879 trong một gia đình Đức nhưng gốc Do Thái. Năm 1980 cha ông, Hermann Einstein , và chú ông, Jakob Einstein, di chuyển từ Ulm tới Munich để mở một cơ sở kinh doanh về nghề điện. Tại Munich ông được cho theo học một trường rất chặt chẽ về kỷ luật, và trong thời gian đó ông chưa có gì tỏ lộ là người có khả năng siêu việt cả. Còn mẹ ông thì lại muốn ông phải học về vĩ cầm. Dù về sau ông cũng trở thành một tay vĩ cầm có hạng, nhưng suốt đời ông chỉ chơi vĩ cầm hoàn toàn với mục đích giải trí mà thôi. Hai người chú của ông lại chính là hai kẻ đã khơi động cho ông những thiên năng mà ông sẽ trở thành khoa học gia bất tử về sau: Jakob kích thích sự ham mê về toán học, và người chú khác, Casar Koch, thì kích thích trí tò mò của ông về khoa học.

Năm 12 tuổi Einstein quyết định dùng tài năng của mình để thiên hẳn về sự giải quyết những kỳ lạ của vũ trụ. Ba năm sau, vì có điểm rất xoàng về 3 bộ môn sư ký, địa lý và ngôn ngữ, ông rời trường học, không có bằng cấp, và đến Milan đoàn tụ với gia đình, lúc đó cha ông đã di chuyển gia đình ông sang Milan sau khi công việc thương mại ở Đức thất bại. Einstein tiếp tục theo học 4 năm ở Thụy Sĩ, đặc biệt chú trọng về toán học và vật lý ở “Hàn Lâm Viện Bách Khoa Liên Bang” tại Zurich. Sau khi tốt nghiệp vào mùa xuân năm 1900 ông trở thành công dân Thụy Sĩ, làm nghề dạy toán (2 tháng) rồi làm nhân viên khảo sát bằng sáng chế cho văn phòng của viện này ở Bern. Năm 1903 ông lập gia đình với người bạn cùng học và cũng là người yêu của ông, ở đại học đó, là Mileva Maric.

Đầu năm 1905 ông cho in luận án “Một xác định mới về kích thước của phân tử” trên nguyệt san chuyên về khoa vật lý nổi danh bằng Đức ngữ “Annalen der Physik” và ông đã nhận được bằng tiến sĩ của đại học Zurich. Cùng trong năm ấy, thêm 4 tác phẩm khác nữa của ông đăng trên tờ Annalen, và chính 4 tác phẩm này đã làm thay đổi vĩnh viễn cái nhìn của con người về vũ trụ.

Trong khoảng thời gian làm việc cho cơ quan khảo sát bằng sáng chế, và sau đó là dậy ở trường Bách Khoa ở Zurich, ông có những tháng năm sống hạnh phúc với gia đình và hai người con là Hans và Edward Einstein .

Tháng 4 năm 1914, gia đình ông di chuyển tới Berlin, tại đó ông nhận chức vụ trong Hàn Lâm Viện của nước Phổ. Vợ ông và 2 người con đi nghỉ mát ở Thụy Sĩ rồi vì đệ nhật thế chiến nên bị kẹt lại, chuyện này ít năm sau dẫn đến việc ông ly dị với bà vợ. Trong thời gian này ông khám phá ra nhiều thuyết mới , quan trong nhất là thuyết Tương Đối tổng quát , trong đó ông làm đảo lộn một quan điểm đã được chấp nhận từ lâu của Newton cho rằng “gravity” là một hấp lực. Ông lập định rằng: “gravity: không phải là một hấp lực mà là một “trường hình cung” trong một khung cảnh “không gian–thời gian” tạo nên bởi sự hiện diện của trọng khối.

Lý thuyết này của ông , tháng 11 năm 1919 một nhóm khoa học gia của hội Khoa học gia thuộc Hoàng Gia Anh Quốc ở Luân Đôn đã nhân vụ nhật thực ngày 29 tháng 5 năm đó, ở Vịnh Guinea, tính toán, và kiểm chứng hoàn toàn cẩn thận những điều chính Einstein đã phát biểu trước qua lý thuyết Tương Đối tổng quát của ông. Kết quả của thí nghiệm kiểm chứng đó khiến người ta đã thán phục, coi ông như là thiên tài vĩ đại nhất của thế giới vào lúc đó. Cùng năm đó ông lấy Elsa, người vợ thứ hai của ông.

Ông cũng bắt đầu dùng uy tín của mình để tranh đấu cho ý niệm về hòa bình, ông chỉ trích thái độ mang tính quốc gia cực đoan ở Đức. Trong suốt 3 năm, ông di chuyển không ngừng, đi hầu hết khắp nơi, từ thủ đô các nước ở Âu hâu, tới Á châu, Trung Đông, và Nam Phi để vận động cho vấn đề này. Năm 1921 trong khi đang ở Thượng Hải, ông được thông báo là đã được trao giải Nobel về vật lý qua căn cứ vào “thuyết quang điện và những tác phẩm của ông trong lãnh vực vật lý lý thuyết.”

Từ năm 1920 ông có cao vọng khám phá một lý thuyết bao hàm tính phổ quát của vật chất và năng lượng vào một phương trình hay một công thức giản dị mà ông gọi là thuyết Thống Nhất (Unified Field Theory). Thuyết này, cho tới khi ông mất, ngày 18 tháng 4 năm 1955, vẫn còn là một thuyết chưa có kết quả cụ thể.



3. Nhân vật số một của thế kỷ.



Là khoa học gia ưu việt số một của thế kỷ, những tiêu chuẩn của thời đại – bom nguyên tử, thuyết “big bang,” vật lý về hạt nhân, và điện tử – tất cả đều mang những dấu ấn sâu đậm của ông. Điều khiến người ta lạ lùng là về tính giản dị của con người siêu việt đó. Tỉ dụ như ông tham dự vào những vụ dùng cà vạt và bí tất để trao đổi áo lót hay quần lót bị nhậy cắn. Hoặc nói những câu như “khoa học sẽ tuyệt vời nếu người ta không phải bám vào nó mà kiếm sống.”

Những tư tưởng của Einstein, cũng như của Darwin, vượt quá lãnh vực khoa học, mà ảnh hưởng cả tới những lãnh vực văn hóa, như hội họa và thi ca. Lúc đầu, ngay cả nhiều khoa học gia cũng không hiểu thuyết Tương Đối, người ta hỏi Arthur Edington, một vật lý gia thiên thể học (astrophysics) , người có tinh thần dí dỏm cao độ: “người ta nói là lúc đầu chỉ có 3 người hiểu được thuyết Tương Đối của Einstein thôi, có đúng vậy không?” Ông Edington đã trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi đáp: “tôi đang suy nghĩ không biết ai là người thứ 3 đây!”.

Khi đảng Quốc Xã lên cầm quyền ỡ Đức, Einstein bị buộc phải rời Đức, và nhận một chức vụ dạy ở viện Khảo Cứu Cao Cấp thuộc đại học Princeton, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Khi hỏi về lương bổng thì Einstein, một người rất ngây thơ về tài chính, chỉ đòi số lương $3000, trong số đó ông lại phải trao $1600 cho Elsa (người vợ sau của ông và cũng đã ly dị).

Khi được khoa học gia người Hungary, Leo Szilard, thông báo là người Đức có thể tìm cách chế tạo bom Nguyên Tử, Einstein đã viết cho tổng thống F.D. Rosevelt một lá thư đề cập tới chuyện này, dù rằng ông chẳng biết gì về sự mới phát triển của khoa vật lý nguyên tử .

Sau này, khi biết sự tàn phá của bom nguyên tử đối với hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật ông đã hết sức ngậm ngùi, đau khổ. Sau đệ nhị thế chiến Einstein càng trở nên mạnh mẽ vận động cho việc cấm sử dụng võ khí nguyên tử.

Về vấn đề võ khí nguyên tử, nhiều người thường gán cho ông là cha đẻ ra bom nguyên tử, nhưng thực ra ông chỉ là cha đẻ ra công thức lừng danh E=m*c2 mà căn cứ vào đó các nhà khoa học khác, như Openhomer, đã làm ra bom nguyên tử. Về vấn đề này, trước sau cả thảy ông gửi cho tổng thống Hoa Kỳ DFR 4 lá thư.

Sau Thế Chiến thứ hai ông trở nên người vận động và tuyên bố mãnh liệt về việc cấm làm võ khí dùng nguyên tử năng. Ngoài sự vận động cấm thực hiện vũ khí nguyên tử, ông còn lên án kịch liệt chính sách chống Cộng quá khích ở Hoa Kỳ (McCarthyism) và hỗ trợ vận động chấm dứt sự tin tưởng mù quáng vào vấn đề chủng tộc.

Khi chiến tranh lạnh đạt tới mức cao độ, những phát biểu của vị giáo sư lừng danh dường như có ý nghĩa rất nhiều, tuy đôi khi có vẻ chất phác. Tạp chí “Life” thời gian đó đã liệt kê tên ông vào danh sách 50 vị lừng danh “du hành và bị lừa bịp.”

Cassidy viết: “ Ông ta có một ý niệm đạo đức thẳng băng mà những người khác không thể thấy, ngay cả những nhà đạo đức khác.” Gerald Holton, nhà vật lý kiêm sử gia, thêm vào: “Nếu những ý niệm của Einstein là thô thiển thì thế giới ngày nay thực tình sẽ ở trong một hình trạng tồi tệ.” Thực ra, Holton cho rằng những thiên khiếu về dân chủ và bản năng của Einstein là “một mẫu mực chính trị lý tưởng cho thế kỷ thứ 21,” sự biểu hiện tốt nhất của thế kỷ này cũng như những hy vọng cao nhất cho thế kỷ tới, chúng ta còn có thể đòi hỏi gì hơn nơi một người là hiện thân của 100 năm qua?

Kết luận, và kết quả, thì chúng ta đều đã biết rồi: “ trong những vĩ nhân của thế kỷ 20, ai là người xứng đáng hơn Einstein để được tuyên dương là NHÂN VẬT của THẾ KỶ 20?

Comments :

0 nhận xét to “Albertt Einstein (1879-1955)- Nhân vật của thế kỷ 20”


Post a Comment

Chào bạn, mình mở cho tất cả các nhận xét về blog, mình tin rằng bạn ghé vào blog của mình là những người tốt, nghiêm cấm những điều tục tĩu, đi lại đạo đức người Việt.